Uống trà ngày Covid

2021-10-18 08:21:00.0

Lâu nay, người Thái Nguyên luôn tự hào thể hiện tấm thịnh tình bằng việc mời khách quý chén trà ngon, bây giờ thì phải thêm trà ngon và sạch

Nhìn người đàn bà pha trà điệu nghệ, tôi thầm nghĩ, không biết trong một chuỗi những sự cầu kỳ của việc pha trà, thưởng trà ấy thì trà là nguyên nhân hay là hệ quả? Để rồi cầm chén trà trên tay, ta phải nâng lên đặt xuống vài bận, như thể cho hương trà thêm tỏa ra, để cảm nhận cho đã rồi mới từ từ thưởng thức. Những cánh trà bé nhỏ nhưng chứa đựng thật nhiều giá trị. Những giá trị tuyệt đối về kinh tế hay những giá trị văn hóa tương đối, vô hình, nhỏ hay lớn phụ thuộc vào suy nghĩ, cảm nhận của mỗi người Trong câu chuyện tôi biết đây là loại trà hữu cơ, nhà sản xuất chỉ cung cấp cho khách hàng ruột như bạn tôi, chứ không đủ bán ra ngoài thị trường. Lâu nay, người Thái Nguyên luôn tự hào thể hiện tấm thịnh tình bằng việc mời khách quý chén trà ngon, bây giờ thì phải thêm trà ngon và sạch. Thịnh tình đó không dành cho sự phân biệt giàu nghèo, trà Thái chỉ có giá trị thực sự với người biết thưởng thức. Vốn là hàng xóm từ thuở bé thơ với người đàn bà doanh nhân này, câu chuyện của chúng tôi lan man về những khóm hoa, vườn trà trong kí ức. Nhấp vài ngụm trà thơm trong khoang miệng và ngọt nơi cuống họng, tôi bất giác nghĩ về những vạt chè đã từng qua. Câu chuyện của bà chủ hiếu khách rủ rỉ bên tai. “Họ làm trà như này thu hoạch không được nhiều đâu, nhiều thì không thể làm kỹ, và ngon được… nên người trồng chè ngon, sạch vất vả lắm…”. Vẻ mặt trầm ngâm của người phụ nữ khá thành công trong kinh doanh khi nói về những khó khăn hiện tại của người trồng chè khiến không khí căn phòng trở nên trầm xuống sau những ríu rít chuyện hoa lá cây cỏ ban đầu. Chỉ hương trà như thêm lan tỏa trong không khí lắng đọng ấy, giữa hai người đàn bà thưởng trà và có chút đau đáu chuyện nhân thế… Giữa lúc các ngành kinh tế đều khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 như hiện nay, nói chuyện về kim ngạch xuất khẩu hay những điều to lớn về cây chè và các sản phẩm trà lúc này có lẽ thành lộng ngôn. Hàng triệu người giữa đại dịch chỉ có một mưu cầu sống được. Người nông dân ở khắp nơi, đặc biệt là người trồng chè, kinh doanh chè lúc này chỉ mong đủ sống. Chúng ta đang đứng trước những khó khăn hiện hữu. Nhưng chính điều đó khiến chúng ta phải năng động linh hoạt để tồn tại và phát triển. Bà Thu và bà Dục là hai người có thâm niên buôn chè ở chợ Thái. Những ngày này các bà chỉ ra chợ bày hàng ra rồi ngồi ngắm người qua lại. “Cô tính, khách mua lẻ thì ba lạng uống cả tháng, hội nghị, đám cưới đám hỏi giờ có ai tổ chức, chè giờ mang đi đâu? Chúng tôi đi chợ quen rồi, chả bán được cũng cứ ra ngồi thôi, chứ bán cho ai?” bà Dục cám cảnh chia sẻ. Hỏi về cách thức buôn chè xưa nay, về kinh nghiệm chọn chè ngon, các bà đều hứng khởi kể về thuở đầu đi buôn chè cách đây 30 - 40 năm. Tôi hình dung về những người phụ nữ chăm chỉ sáng sớm tinh mơ đến các phiên chợ vùng chè Tân Cương, Trại Cài… lựa chọn cất buôn những mẻ chè ngon mang về bán lẻ. Chỉ cần ngửi hương chè là họ biết 50% độ ngon, nhấm chè nơi đầu lưỡi họ xác định được đâu là chè thượng hạng trong hàng loạt những bao chè sao suốt bày bán mỗi phiên chợ. Những người buôn chè truyền thống trong mắt tôi thường là người rất tinh. Tinh trong thưởng thức trà, tinh trong phát hiện nhu cầu của thị trường, tinh trong việc tìm kiếm vùng chè ngon. Có thế họ mới tồn tại theo nghề hàng chục năm, nuôi nấng con cái phương trưởng và nhiều người làm giàu cho gia đình. Trong suy nghĩ của tôi, những người đàn bà buôn chè Thái Nguyên từ nhiều chục năm trước ấy, chính là những người đầu tiên lan tỏa giá trị của sản phẩm trà Thái Nguyên đến với người yêu trà trong cả nước. Họ là những người góp phần kích thích người dân phát triển cây chè thành loại cây phát triển kinh tế mũi nhọn.

Gương mặt bình thản, cái nhìn xa xăm của các bà buôn chè vừa quen vừa lạ. Lạ thật đấy, vì bỗng dưng chợ chè vắng lặng đến ngỡ ngàng, không còn rôm rả người vào ra và những câu chuyện phiếm quanh những sạp trà quen thuộc. ái Nguyên hiện có hàng trăm nhãn hiệu trà nổi tiếng của hàng chục vùng chè tại các địa phương. Nhưng xen kẽ với các thương hiệu được đăng ký bảo hộ là những “thương hiệu” riêng uy tín như chè bà Thu, chè bà Dục, chè bà Tuất… họ đều là những người đàn bà không theo kịp thời đại 4.0, đã gắn bó với việc kinh doanh chè gần hết một cuộc đời. Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Nguyễn Hữu Tài từng cho rằng, hiện nay, các chính sách phát triển cây chè tại các địa phương gần như không đạt được hiệu quả. Người dân vẫn trồng tự phát, manh mún, theo kinh nghiệm là chính mà chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đồng bộ… Nhưng, cây chè thật lạ. Dù nó là loại cây có giá trị kinh tế cao, cần được trồng, thu hái, chế biến tập trung, sử dụng công nghệ chế biến để tăng năng suất, tức là theo quy trình sản xuất hiện đại, nhưng giá trị của sản phẩm trà chỉ thật sự tăng khi nó giữ được phẩm chất của trà truyền thống. Chắc chắn vậy! Người ta mê trà Thái chính bởi cái hương vị xưa cũ của nó.

Những ngày Covid được ngồi thưởng trà như chúng tôi là quá đỗi hạnh phúc so với hàng triệu đồng bào phía Nam đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh, và so với nhiều đồng bào Thái Nguyên đang vật lộn cùng những nương chè và sản phẩm trà làm ra. Cùng với dịch dã, những mặt tốt xấu của cuộc sống, xã hội đều được phơi bày. Thưởng trà lúc này với chúng tôi, không đơn thuần là thưởng thức một món ẩm thực. Xưa nay, những độc ẩm, đối ẩm bên ấm trà thường là những suy tư về cuộc sống. Hai đàn bà chúng tôi cũng chỉ theo lối người xưa, khác chăng chúng tôi là phụ nữ thời nay, những phụ nữ yêu mảnh đất quê hương và nặng lòng với những thân phận nổi chìm, đặc biệt là những đàn bà xứ Trà trong cơn cuồng phong của đại dịch Covid-19./.

 

Lê Nhung
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 98223

PHƯỜNG TRƯNG VƯƠNG - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Số 52 đường Bến Tượng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Đặng Thế Sơn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân phường Trưng Vương. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 0208.3855.518