Trà shan tuyết cổ thụ Phìn Hồ - Đặc sản trứ danh của vùng núi Hà Giang

2021-07-30 09:37:00.0

Người dân thu hái trên những cây chè Shan tuyết cổ thụ (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Nếu ai từng có dịp đặt chân tới dãy Tây Côn Lĩnh, Hà Giang thì ngoài những căn nhà sàn, những thửa ruộng bậc thang điệp điệp trùng trùng, chắc hẳn sẽ không thể quên được trà shan tuyết - một trong những danh trà sản vật đặc trưng của bản Phìn Hồ.

Phìn Hồ là bản vùng cao và xa nhất của xã Thông Nguyên, liền kề dãy núi Tây Côn Lĩnh nơi vùng biên cương miền Tây Bắc, cách trung tâm huyện lỵ Hoàng Su Phì (Hà Giang) hơn 35 km thuộc tỉnh Hà Giang. Bản Phìn Hồ nằm ở độ cao 1500 - 2000m, có khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình từ 14 - 22 °C, mưa nhiều, độ ẩm thường trên 80%, thường xuyên có sương mù khô. Khí hậu này rất phù hợp để trồng các cây dược liệu, trà shan tuyết.

Trà Phìn Hồ được đồng bào Dao chủ yếu thu hái từ những gốc chè Shan tự nhiên. Nhiều gốc chè Shan mọc tự nhiên trên núi cao, thời tiết quanh năm sương mù bao phủ, có cả băng tuyết đã giúp những cây chè ở đây có một sức sống dẻo dai bền bỉ, có những cây chè cổ thụ sống cheo leo cả trăm năm trên vách núi. Cũng chính bởi sinh trưởng và phát triển trong điều kiện khí hậu núi cao mát mẻ, môi trường thiên nhiên trong lành, nên giống trà shan tuyết ở Hoàng Su Phì nói chung và trà Shan Tuyết Phìn Hồ nói riêng nổi tiếng bởi có chất lượng an toàn, nguyên liệu sạch và một hương vị thơm ngon tinh khiết.

Lá chè to, dài 3 - 6 cm búp và lá non có nhiều lông măng trắng bạc như tuyết, ngay cả khi sao khô vẫn thấy một màu trắng đục đặc trưng. Trà shan tuyết Phìn Hồ có mùi thơm rất đặc trưng, vị đượm, nước xanh ngà, ngọt hậu, pha vài lượt vẫn giữ trọn vẹn hương vị đậm đà.

Những cây chè cổ thụ sống ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển luôn đâm chồi, nảy lộc, cho ra những bút chè xanh mướt, là nguồn thu nhập chính bà con các xã vùng chè.

Tuy nhiên, trước đây do tập quán canh tác, chế biến còn nhiều hạn chế bà con chỉ bán được 5 - 6.000 đồng/kg chè búp tươi nên giá trị sản xuất lúc đó chỉ đạt 10 - 12 triệu đồng/ha/năm.

Trong 10 năm trở lại đây, chính quyền huyện Hoàng Su Phì đã chú trọng đầu tư phát triển cây chè. Đồng bào Dao sinh sống tại thôn Phìn Hồ đã cùng nhau kinh doanh tập thể, góp vốn thành lập Hợp tác xã và từng bước đưa danh tiếng sản phẩm chè Phìn Hồ vươn xa.

Hàng năm, huyện Hoàng Su Phì tổ chức tập huấn trồng và chăm sóc, thu hái, sơ chế chè cho nông dân, nâng cao kỹ thuật chăm sóc, thu hái cho hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (trên 2.700 hộ tham gia).

Ngành chức năng phối hợp với Hội Nông dân thành lập, duy trì hoạt động các nhóm sở thích trồng, sơ chế, chế biến chè tại 4 xã Nậm Ty, Túng Sán, Hồ Thầu, Sán Sả Hồ.

Từ Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) nhằm kết nối cung ứng sản phẩm chè cho các cơ sở, Hợp tác xã chế biến chè đã đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cho thành viên nhóm sở thích.

Từ năm 2016 đến nay, huyện có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây chè và sản xuất các sản phẩm chè như hỗ trợ trồng mới 107ha; trồng dặm 17 ha từ nguồn vốn chương trình 30a với kinh phí 390 triệu đồng.

Huyện hỗ trợ nâng cấp dây chuyền máy móc cho Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ, Hợp tác xã chế biến Nông lâm sản Hoàng Su Phì với kinh phí trên 1,3 tỷ đồng từ nguồn Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác cho sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, mỗi sản phẩm 120 triệu đồng.

Hiện nay, tổng diện tích cây chè trên địa bàn là 4.654ha, diện tích cho thu hoạch hơn 3.589ha, năng suất đạt 39 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 14.000 tấn/năm.

Sản phẩm Trà xanh với hình ảnh nhận diện cụ già - là sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh Hà Giang được công nhận 5 sao quốc gia (Nguồn: hagiangtv.vn)

Toàn huyện có 8 hợp tác xã sản xuất chế biến chè quy mô từ 3-5 tấn/ngày trở lên. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 20 cơ sở chế biến quy mô lớn theo hộ, nhóm hộ và 300 cơ sở chế biến nhỏ quy mô hộ gia đình.

Các cơ sở chế biến chè bước đầu đã chú trọng việc đăng ký nhãn mác, thương hiệu nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng ra thị trường.

Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ là đơn vị đầu tiên đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại sử dụng các nguyên liệu đốt như gas, điện, dầu diezen thay củi.

Hợp tác xã này đã liên kết với nhiều hộ dân trên địa bàn các xã Thông Nguyên, Tả Sử Choóng, Túng Sán… thu mua, sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm chè từ bình dân đến cao cấp như, chè xanh, chè vàng, hồng trà, bạch trà và matcha… doanh thu hàng năm đạt trên 10 tỷ đồng.

Đời sống của người dân vùng chè được nâng lên, bình quân mỗi ha chè cho thu nhập khoảng 35 triệu đồng, tăng hơn 3 lần so với 10 năm trước và các hộ dân trồng chè thôn Phìn Hồ 100% thoát nghèo. Thu nhập của người lao động tại Hợp tác xã đạt từ 5-15 triệu đồng/người/tháng, tăng 5 lần so với những ngày đầu mới thành lập.

Hai sản phẩm Trà xanh hộp 100gr và Hồng trà hộp 100gr của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ đã đạt chứng chỉ OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 5 sao cấp quốc gia năm 2020.

Việc đạt giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2020 cũng như chứng chỉ OCOP sẽ là cơ hội cho hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ được học hỏi, cải tiến, nâng cao chất lượng quản lý của mình thông qua việc áp dụng thực hành sản xuất, kinh doanh tốt nhất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trong bước đường hội nhập kinh tế khu vực và thế giới./.

(Vietnam+)
vietnamplus.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 99539

PHƯỜNG TRƯNG VƯƠNG - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Số 52 đường Bến Tượng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Đặng Thế Sơn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân phường Trưng Vương. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 0208.3855.518